Ở Việt Nam, khi cần động viên tinh thần trẻ em, nhiều người lớn thường nói với chúng là “có cái gì đâu mà sợ!”
Hồi còn nhỏ, mỗi lần tôi tỏ ra sợ hãi hoặc nhút nhát thì tôi luôn được nghe câu nói ấy. Người lớn bảo tôi, ”…có cái gì đâu mà sợ”, lúc tôi bước vào một căn phòng tối đen, khi tôi đi thi, hoặc khi tôi gặp ai đó lần đầu tiên. Lúc đó, tôi biết rằng họ nói vậy vì muốn trấn an và động viên tôi, giúp tôi bớt căng thẳng và sợ hãi. Sau đó thì tôi cũng sẽ làm những gì mà tôi phải làm, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mình đã can đảm hơn nhờ vào câu nói đó.
Tuần trước, con trai 9 tuổi của tôi bắt đầu đi học hè ở Anh. Vì muốn con có cơ hội làm quen với trường lớp ở đây, vợ chồng tôi đã đăng ký cho cháu học lớp hè vào mỗi tháng 7 trong suốt ba năm qua. Khi cháu mới đến trường, thầy hiệu trưởng trẻ bắt tay chào cháu, và hỏi cháu thế nào. Khi con trai tôi trả lời là cháu ổn nhưng cháu thấy hơi hồi hộp ạ! Thì thầy hiệu trưởng, thay vì nói “ có cái gì đâu mà sợ”, thầy đã bảo cháu, ” Cảm giác sợ và hồi hộp là bình thường đó con. Thầy thỉnh thoảng cũng hồi hộp lo lắng trong những lần đầu tiên, hay khi đến một lớp học mới”. Thế là ngay lập tức, con trai tôi mỉm cười và tỏ ra tự tin thoải mái chào tạm biệt mẹ để vào lớp.
Tôi ra về, nghĩ mãi về việc đó, và chợt nhận ra rằng, biện pháp “có cái gì đâu mà sợ” không phải là cách giáo dục hiệu quả để khuyến khích động viên trẻ em trở nên dũng cảm. Thật ra, nó đơn giản chỉ là một cách để loại bỏ nỗi sợ, và có lẽ, mong muốn sự sợ hãi sẽ mất đi, nhưng nỗi sợ nó sẽ không bao giờ tự mất đi được. Vậy thì, tốt hơn là hãy thừa nhận cảm giác sợ hãi là một phần bình thường trong cuộc sống, và tất cả chúng ta, ai cũng có thể cảm thấy sợ vào một lúc nhất định nào đó trong đời. Khi trẻ em biết rằng người lớn đôi khi cũng lo lắng sợ hãi như chúng, thì chúng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi cần chia sẻ hay bày tỏ những cảm xúc thật của chúng với chúng ta.
Và theo tôi, chúng ta không cần phải luôn giả vờ không sợ.